Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Cây đa già - Tập 2



CÂY ĐA GIÀ - TẬP 2


Sau một hồi lâu cố gắng, cuối cùng Đông Nhi cũng hoàn thành bài tập Toán cho ngày mốt. Nó vươn vai một cái cho thật đã. Môn Toán bao giờ cũng làm hao tốn của nó nhiều thời gian và giấy mực. Mấy thầy cô sợ nó không có việc gì làm sẽ buồn hay sao ấy! Con bé ngó đồng hồ. Mới chín giờ tối, với nó vẫn còn sớm lắm, dù nó đã dành hết hai giờ đồng hồ để "gặm" mấy con số. Đông Nhi thở dài rồi đứng dậy, đi tới cái tủ sách kê gần chiếc giường, lấy một quyển tập trắng. Nó phải thay vở Toán hình học rồi.

Bao xong cuốn tập mới, lật ra xem những trang giấy còn trắng tinh, tươi mới với những dòng kẻ đều đều thẳng tắp, song song nhau màu xanh dương, lòng Đông Nhi lại dậy lên một nỗi thèm muốn quen thuộc. Nó thèm được đặt bút xuống và viết. Không phải viết bài lịch sử, địa lý hay tập làm văn. Nhưng viết ở đâu chứ? Nó không có sổ và cũng không thể có sổ. Nó đắn đo, lại nhìn sang đống tập trắng ở cái kệ ban nãy, hai bàn tay cứ bấu vào nhau.

Nghĩ một hồi, Đông Nhi đứng dậy, đi đến gần. Hồi hộp, lo lắng, nó đưa tay lấy ra một quyển tập. Con bé không quay lại bàn mà vẫn đứng đấy thêm một lúc nữa. Nghĩ thế nào, nó bắt đầu đếm... Mười tám quyển tập, không tính cái nó đang cầm. "Chắc ba mẹ chẳng để ý đâu", nó nhủ thầm. Tự trấn an mình, thấy có vẻ hợp lí, Đông Nhi ôm cuốn vở trước ngực, ngồi xuống bàn. Nó nhấc bút và đặt tay lên trang đầu tiên của quyển tập. Nó bất giác ngoái đầu nhìn về phía cánh cửa phòng đã đóng, tim bỗng đập nhanh. Đông Nhi sợ. Nhưng nó đã mong chờ giây phút này lâu lắm rồi.

"3/11/2007"

Cảm giác lúc ấy thật lạ lùng. Lòng nó hân hoan một cách ngạc nhiên. Thật quen thuộc và thật thích. Có gì đó thôi thúc tay nó viết nữa, một niềm thôi thúc mãnh liệt.

Cánh cửa phòng chợt mở ra, đột ngột và khủng khiếp như trong những bộ phim kinh dị. Đông Nhi giật bắn mình đóng ngay quyển tập, kéo vội quyển sách Anh văn ở gần đó đến trước mặt và mở ra, vờ như đang đọc.

- Con đang làm gì đấy? - Mẹ nó tới gần, giọng hơi cao đầy đe dọa.

- Học Anh văn ạ. - Nó đều đều đáp, không buồn ngẩng đầu lên.

- Tốt. Học cho nhiều vào, thời gian không còn dài đâu. - Bà vỗ lên vai nó bảo.

Đông Nhi cảm thấy như có máu nó nóng lên từ chỗ bàn tay mẹ động vào đến khắp cơ thể, khiến cơn tức giận chực tuôn trào, nhưng nó cố kiềm nén.

- Chăm chỉ học hành như thế có phải đỡ phung phí thời gian quý báu hơn không? - Lại cái giọng mỉa mai xiên xỏ ấy.

Nếu không phải đang mong cho bà mau chóng đi ra ngoài, có lẽ nó đã đứng dậy và vuột miệng vài câu đáp lại thái độ của mẹ cho đỡ cơn bực tức và ấm ức trong lòng. Nghĩ đến cuốn tập, Đông Nhi hít một hơi thật sâu, giữ im lặng, mắt vẫn nhìn chăm chăm quyển sách. Nó không cần làm mình thêm nổi nóng bằng cách trông thấy gương mặt kiêu ngạo hách dịch kia. Mẹ tưởng cái gì mình nói, mình làm cũng đều là đúng ư? Làm gì có cái lí đấy?

Đợi sau khi mẹ đã đi, Đông Nhi mới đẩy cuốn sách Anh văn sang một bên. Nó lại cầm bút lên và mở quyển tập ra. Trang giấy trắng trải dài ra trước mắt làm dâng lên niềm hân hoan ở cô bé.

“Đã khá lâu rồi kể từ lần cuối cùng tôi viết nhật ký cho đến hôm nay. Ba tháng là một quãng thời gian quá dài cho tất cả những gì tôi đang phải chịu đựng. Tôi tự hỏi nó sẽ còn kéo dài bao lâu nữa đây. Tôi không tìm thấy tia hy vọng nào cho sự kết thúc.

Đã ba tháng trôi qua không có anh ấy, không một dấu tích về anh. Không có anh mọi thứ thật nhàm chán và vô vị. Tôi đã tưởng rằng mình có thể mất tất cả, nhưng sau cùng điều mình vẫn còn có chính là anh. Vậy mà giờ đây, anh biến mất khỏi cuộc đời tôi một cách bất ngờ, tàn nhẫn. Nhiều thứ khác cũng đã bị cách ly khỏi cuộc đời tôi. Âm nhạc, phim ảnh, ca sĩ, diễn viên,… không còn gì cả. Cái máy tính kia có giá trị gì khi mà trong đó chỉ toàn những trò chơi rỗng tuếch, không có những bài hát của anh, hình ảnh của anh? Tôi thấy chán cái cảnh này lắm rồi. Làm sao tôi có thể chịu đựng được sự giày vò này? Tôi đã làm nên tội lỗi gì cơ chứ? Có lẽ những điều tôi làm là sai, nhưng có đáng để phải lãnh lấy kiếp đày ải ấy? Tôi ghét chị, ghét ba mẹ, ghét tất cả mọi thứ. Tôi không chịu được cuộc sống vắng bóng anh ấy.

Anh Trường, anh nói đi, em phải làm thế nào đây? Anh có cách nào giải thoát em không?…”

Tối hôm đó, Đông Nhi cặm cụi miệt mài viết đầy trên xấp giấy dày cộp mẹ nó đã giao những từ tiếng Anh vừa dài vừa khó nhớ. Lòng nó còn in sâu lời hăm dọa của mẹ : "Con mà không dùng hết đống giấy này để học Anh văn trước ngày thi thì đừng trách mẹ.". Lẩm nhẩm từ đang viết, Đông Nhi bực bội vuột miệng :

- Mẹ không biết cái quái gì ngoài giải thưởng hết sao?

Chán, nó ném cây bút xuống bàn khá mạnh tay. Học bài ở trường, được điểm cao, nó còn thấy có động lực để tiếp tục, còn có chút hứng thú. Nhưng thứ này, cái thứ mà Đông Nhi phải làm bởi vì mẹ nó ép, nó thấy chán ghét cao độ. Nó không lười, cũng không thiếu thời gian. Nó ghét phải nghe theo sự sai khiến của mẹ. Bất giác, Đông Nhi nhìn lên tấm lịch để bàn trước mặt. Hôm nay là đầu tháng mười một. Còn khoảng hơn hai tháng là đến kì thi học sinh giỏi, và tám tháng nữa đến ngày thi vào trường Trung học Phổ thông chuyên Lương Thế Vinh. Bây giờ đã như vậy, không biết gần tới ngày ấy thì mẹ sẽ còn bắt nó làm gì nữa đây.


Hôm nay nhờ viết được mấy trang nhật ký, Đông Nhi cảm thấy thoải mái hơn đôi chút. Tuy nhiên, nhiêu đó cũng chưa đủ để giải tỏa hết nỗi ấm ức của con bé. Nó chợt nghĩ đến cuốn nhật ký - tức quyển tập ban nãy - nghĩ đến gương mặt anh mỉm cười dịu dàng, ấm áp như ánh nắng mùa xuân, lòng nó bỗng rạo rực một niềm vui khó tả. Đông Nhi lại nhìn đồng hồ đeo tay. Mười một giờ. Cũng còn sớm. Chưa muốn đi ngủ, và cảm thấy chưa phải lúc thích hợp để đi ngủ và hình như cũng chẳng cần thiết phải ngủ, nó quyết định ngồi học tiếp. Biết đâu nếu nó thi đậu giải nhất Anh văn cấp thành phố, rồi cấp tỉnh, đậu luôn vào lớp chuyên Anh của trường Lương Thế Vinh, ba mẹ sẽ trả lại anh ấy cho nó thì sao? Nuôi chút hy vọng, nó lại duy trì...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 photo 123_zps412de85a.jpg