CÂY ĐA GIÀ - TẬP 20
Bước qua cổng trường, Đông Nhi chợt thấy
bối rối vì không gian rộng lớn nơi đây. Thảm cỏ xanh rợp mắt quả là bất ngờ đầy
thú vị. Bên phải nó là nhà xe dài tít tắp, có lẽ bằng nhà của nó ở Biên Hòa.
Bên trái là một tòa nhà sơn trắng sáu tầng có bồn cây xanh ngắt bao quanh nằm
sau một khoảng sân khá rộng. Phía giữa là một con đường không thua kém đường cái dẫn ra sau, và dường
như đằng xa kia còn có một tòa nhà nữa.
Nó nên đi đâu? Xung quanh, nhiều người
cũng vừa vào trường giống nó, nhưng chẳng có dấu hiệu gì cho nó biết lựa chọn
nào là đúng đắn nhất. Nhiều người đưa mắt nhìn nó lạ lùng. Lần đầu tiên trong
đời nó thấy mình bị người khác “dòm ngó” như thế. Vì nó là người nổi tiếng
chăng? Chắc không phải. Nó chỉ là một nữ nhà văn trẻ mới xuất bản được hai
quyển truyện, dù là khá ăn khách, ảnh tác giả cũng có đằng sau bìa cuốn sách,
nhưng cũng không “lừng danh” tới mức ai ai
cũng biết mặt. Chợt nghĩ lí do là ngoại hình của mình, mặt nó bất giác đỏ bừng,
thầm xua đuổi ngay ý tưởng vớ vẩn ấy. Cái nó cần tìm giờ là sơ đồ phòng học.
Đánh liều, Đông Nhi tiến về phía tòa nhà bên trái.
Khắp các bức tường đều màu trắng và nửa
dưới ốp gỗ nâu bóng rất sang. Tòa nhà quá lớn nên chỉ đi sơ qua tầng trệt nó đã
thấy rất nhiều lớp học. Điêu khắc, cắm hoa, trang điểm đều có cả. Có nhiều lối
đi lòng vòng, nhưng nó chọn đi qua hành lang dài lát gỗ nâu dẫn xuyên qua tòa
nhà ra khu vực phía sau. Không ngờ, ở đây còn một toà nhà hình chữ L, nối liền
với tòa nhà nó đang đứng thì là chữ U, chỉ có điều cái đối diện nó to hơn hẳn
hai phần còn lại. Ở giữa là khoảng sân rộng mênh mông trồng hàng chục cây bàng
và bằng lăng tươi mát. Đông Nhi không hiểu sao gần đây mình phải chịu sốc nhiều
như thế. Thật may, nó vẫn còn khoảng hai chục phút để tìm ra lớp của mình. Nếu
đi sát giờ, không thể tưởng tượng nổi nó sẽ làm sao xoay sở.
Đông Nhi tiếp tục hành trình trên hành
lang tầng trệt. Không kiềm nổi trí tò mò, vừa đi nó vừa đưa mắt nhìn vào các
lớp học mình băng qua. Phòng học nào cũng thoáng mát, không ngột ngạt, chật
chội, chỉ có khoảng mười học viên trở xuống. Giáo viên già trẻ, nam nữ “đa
dạng”. Hành lang có vài người đi lại nhưng hầu như mọi người đều tuân theo nội
quy : giữ im lặng, nên chỉ vang lên tiếng giảng bài của các giáo viên. Ngoài
bảng sơ đồ, nó còn muốn thấy một thứ, nhưng sao gần hết tòa nhà đầu tiên nó vẫn
không trông thấy gì cả.
Còn một phòng cuối cùng, tiếp nữa sẽ đến
phần đáy chữ U. Bên trong, cả căn phòng xếp đầy những giá vẽ, các học viên đều
cầm trên tay mình bút chì, tẩy và tất cả đều hướng mặt lên bảng, chăm chú lắng
nghe. Lớp hội họa đây. Sơ cấp, trung cấp hay cao cấp thì nó không rõ. Bước chân
Đông Nhi bất giác chậm hẳn lại mà nó cũng không nhận ra, thậm chí đi sát lại
gần hơn. Khắp phòng treo nhiều bức tranh nổi tiếng mà nó chỉ biết một số ít. Có
một giọng giáo viên nam trầm trầm là lạ ở trong kia. Đông Nhi quyết định rời
mắt khỏi những giá vẽ và các bức tranh trên tường để “xem mặt” giáo viên dạy bộ
môn nó yêu thích sau văn chương.
Lần đầu tiên, có thể là lần thứ hai, nó
có ấn tượng khác lạ về một con người. Anh ấy là một chàng trai trẻ có gương mặt
không hẳn là đẹp trai, nhưng rất sáng sủa, thân thiện và thể hiện rõ vẻ điềm
đạm, chín chắn trong từng cử chỉ, nét mặt. Khuôn mặt anh hơi dài và xương
xương, khác với Vĩnh Trường. Mái tóc cắt ngắn, để lộ vầng trán rộng và gây chú
ý với sống mũi cao. Người đẹp trai trên đời không thiếu, nhưng khiến nó chịu
nhìn lâu hơn một giây khi tình cờ lướt qua thì rất ít.
Nó dừng bước.
Không giống các giáo viên khác, mặt anh
không nhăn nhó, chẳng như mấy thầy cô ở trường nó ngày xưa. Anh giảng bài bằng
một thái độ nhiệt tình, vui vẻ, nhưng vẫn nghiêm túc và khiến người nghe cũng
bị cuốn vào niềm đam mê hội họa của anh. Phía sau lưng anh là một bức tranh
cảnh dòng sông trong rừng già vào hoàng hôn vẽ bởi nét phấn đầy tính nghệ
thuật. Vậy đây là lớp vẽ cao cấp rồi. Đông Nhi không biết nó đang nhìn, đang
nghe, đang tìm cái gì hoặc chính xác là điều gì đang làm nó chú ý?
Anh ngừng nói tự bao giờ nó không kịp
nhận ra. Đột ngột, anh quay đầu lại, đúng về phía nó đang đứng. Cái nhìn đó
khiến nó giật nảy mình, muộn màng khi biết bản thân đã đứng đây nãy giờ. Hai má
con bé chợt nóng bừng. Xấu hổ, nó vội vàng quay đi và rảo bước thật xa. Anh ta
có trông thấy nó không? Nó giật mình sao lại sơ ý đến vậy, đứng tần ngần ở đó.
Nó thấy mắc cỡ quá! “Mình đang nghĩ gì
vậy kìa?”
Tiếng chuông reo, Đông Nhi liền xem đồng
hồ : chín giờ kém mười lăm phút. Buổi học của các lớp từ bảy giờ đến tám giờ
bốn mươi lăm phút đã kết thúc. Nó chỉ còn mười lăm phút để tìm kiếm thôi. Khốn
thật, nó vẫn chưa thấy bảng sơ đồ phòng học đâu cả, lỡ như phòng học ở tận tầng
sáu thì sao nó đi kịp? Nó không biết sử dụng thang máy đâu.
Đông Nhi bước vội hơn. Tòa nhà này cũng
có một hành lang xẻ giữa nhưng khá vắng người. Mắt nó sáng rỡ lên. Kia rồi, một
cái bảng to tướng chễm chệ trên tường. Chắc là sơ đồ đó! Nghĩ thế, nó nhanh
chóng đi tới và cũng nhanh chóng bị hụt hẫng : một cái bảng thông báo. Không có
sơ đồ gì ráo, toàn là thông báo nội bộ và hơn phân nửa là tờ quảng cáo về một
ngày hội nghệ thuật gì đó của trường. Đầu óc nó bắt đầu rối loạn. Nó nhìn khắp
xung quanh, hoang mang. Phòng hội đồng, phòng hiệu trưởng, phòng giáo viên,
phòng hành chánh,... Thảo nào mà vắng người như vậy, chỉ có các giáo viên đi
ra, đi vào, nó là kẻ lạc loài. Đúng là tệ hại!
Còn chưa hết xấu hổ vì sự việc ban nãy,
bây giờ Đông Nhi lại phải đối mặt với rắc rối vĩ đại khác. Nó thấy mình hệt như
con ngốc. Biết trước như vậy, hôm Hoàng Văn đăng kí nó đã nghe lời ông đi cùng
để biết trước trường lớp cho đỡ bỡ ngỡ rồi. Sau bốn năm trời chỉ đi tới đi lui
giữa nhà và trường học, nó không ngờ mình đã "tụt dốc" đến vậy. Hôm
ấy đáng lẽ nó phải biết dẹp bỏ cái ngại ngần đó để đi theo ông. Nó khờ quá, ngu
ngốc quá! Không lẽ nó phải chạy hết sáu tầng lầu của ba tòa nhà kếch xù hình
chữ U này?
Đông Nhi nhìn quanh "cầu cứu".
Phòng hiệu trưởng, hiệu phó không có người. Phòng hội đồng, hành chánh,... toàn
mấy ông bà già mặt cau mày có. Phòng giáo viên ở xa hơn nên nó không thấy gì.
Nó hiểu vấn đề lúc này không phải chuyện có người để hỏi hay không, mà là nó
ngại. Ai cũng là người lạ hết. Nó nên làm gì đây? Thời gian không đợi nó, cứ
trôi qua, trôi qua.
Giữa thời khắc bối rối ấy, một bóng
người cao ráo gầy gầy quen quen đeo ba lô bước ra khỏi phòng giáo viên. Tim
Đông Nhi có dịp nhảy loạn xạ cả lên. Chính
là chàng trai mới nãy. Trời ơi, anh ấy vào đó hồi nào vậy? Sao nó chẳng
hề trông thấy? Anh đứng lại trò chuyện với một nam giáo viên trẻ khác. Hay là
hỏi anh? Không, đó chỉ là giải pháp cuối cùng thôi. Nó không can đảm thế đâu.
Cuộc đối thoại không kéo dài lâu. Nó
tưởng anh sẽ đi, nào ngờ, anh quay bước về phía nó. Đông Nhi vội hướng mắt vào
tấm bảng thông báo, dù nó không còn đủ bình tĩnh để đọc ra câu chữ gì nữa. Nó
không tưởng tượng ra còn có thể có việc tệ hơn chuyện nó không tìm ra sơ đồ
phòng học. Anh ta cũng đứng đọc bảng thông báo, cách nó chỉ hơn một thước. Cơ
hội của nó đây. Nó phải quyết định : hỏi hay không hỏi.
Việc gì phải ngượng
ngùng vậy? Anh ấy đang ở gần nó lắm rồi, cứ như ông trời đặt anh xuống đó cho
nó hỏi đường. Gặp người lạ nó đã ngại, thêm chuyện lúc nãy thì... Anh ấy là
giáo viên, chắc biết rõ đường đi lối lại. Nhưng chẳng may anh không nhớ hết sáu
tầng lầu này thì nó làm sao? Nó sẽ quê lắm, không chịu được. Hỏi hay không? Cái
ngưỡng "người lạ" dễ vượt qua hơn "người-lạ ‘cộng’ phòng-hội-họa"
nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét